Đánh giá game Little Nightmares II
Little Nightmares II là hậu bản của game đi cảnh giải đố Little Nightmares với màn chơi rộng lớn hơn, không còn gói gọn trong những không gian chật hẹp bị cô lập của The Maw tạo cảm giác bức bách đến ngộp thở nữa. Thế giới Pale City hoàn toàn mới dẫn dắt bạn đi qua những địa danh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như trường học hay bệnh viện, gieo vào tâm trí người chơi cảm giác kinh hoàng và ám ảnh hơn. Thế nhưng, phần hậu bản này có rất ít điểm mới so với tựa game tiền nhiệm, nhất là khía cạnh gây ức chế cho người chơi vô cùng quen thuộc.
Little Nightmares II vẫn là trải nghiệm giải đố đầy thử thách với câu chuyện kể không có bất kỳ lời thoại nào, sở hữu kết thúc tiếp tục để lại nhiều giả thiết tùy vào trí tưởng tượng và thực tế của mỗi người như phần đầu của series. Ngoài việc dẫn dắt hai nhân vật thay vì đơn độc trong thế giới có nhiều yếu tố rùng rợn hơn, trò chơi vẫn giữ cảm giác điều khiển vụng về và gây ức chế như trước đây. Mặt khác, trong khi phần chơi mới có thể trải nghiệm độc lập về mặt nội dung, nhưng bạn nên hoàn thành trải nghiệm Little Nightmares Complete Edition trước.
Lý do là vì có nhiều yếu tố trong game nguyên bản và cả DLC Secrets of the Maw giúp bạn hiểu rõ câu chuyện kể trong Little Nightmares II hơn và không chỉ dừng ở đó. Cảm giác quen thuộc có thể đến từ những yếu tố hình ảnh mà bạn từng chứng kiến trong phần chơi trước và DLC nói trên. Đó có thể là cái xác treo lơ lửng trên trần hay những chiếc ti vi hỏng được chất đống dưới nền nhà ẩm mốc. Xen lẫn với những hình ảnh có tính ẩn dụ rùng rợn như những cái móc và dây thắt nút vẫn là những món đồ chơi sáng và tối màu nằm lặng lẽ trên bàn hay dưới đất.
Dù bạn không còn lang thang trong những hành lang chật hẹp của bối cảnh The Maw nữa, nhưng đó vẫn là một số trong nhiều cảm giác quen thuộc mà Little Nightmares II mang đến trong trải nghiệm game. Dù vậy, không thể phủ nhận cách xây dựng hình ảnh như thế này luôn dễ dàng để lại cho người chơi cảm giác rùng mình khi thả hồn cho tâm trí tha hồ tưởng tượng. Có rất nhiều thứ quá quen thuộc mà bạn có thể gặp hàng ngày trong cuộc sống, nhưng xen lẫn trong đó luôn đi kèm với nhiều yếu tố tương phản được lồng ghép, khiến bạn cảm thấy lạnh người mỗi khi nghe và nhìn thấy.
Nếu chỉ xét về mặt này, có lẽ phải xếp Little Nightmares vào hàng “vô đối”. Chưa có tựa game nào khiến tôi có cùng cảm giác yêu thích và ức chế cùng một lúc trong từng khoảnh khắc trải nghiệm nhiều như thế. Ở góc độ người chơi, đó là một trải nghiệm đi cảnh vụng về và thiếu những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần thiết, dồn người chơi vào cái cảm giác tức điên vì bất công khiến bạn chỉ muốn ‘rage quit’. Ở góc nhìn khác thì ngược lại, trò chơi xây dựng quá hoàn hảo khía cạnh nghe nhìn, đẩy cảm xúc của bạn “thăng hoa” từ hình ảnh đến thiết kế âm thanh.
Little Nightmares II cũng không hề ngoại lệ, nhưng tôi nghĩ trò chơi chỉ làm tốt điều này bắt đầu từ nửa sau trải nghiệm. Nhiều khoảnh khắc trong trải nghiệm về sau khiến tôi nổi da gà vì sự kết hợp chất liệu hình ảnh và âm thanh xuất sắc, điều mà tôi không hề thấy ở nửa đầu trải nghiệm. Khía cạnh giải đố cũng có vài khác biệt so với trước. Nhân vật chính Mono phải hợp tác với “cô bé áo vàng” Six thay vì độc hành như phần trước. Điểm mới gameplay còn là khả năng chiến đấu, nhưng tất cả không ngoài mục tiêu thiết kế khiến bạn ức chế.
Cảm giác điều khiển vẫn giống hệt Little Nightmares. Từ yếu tố đi cảnh vụng về, nhân vật dễ vướng vào những chướng ngại vật khuất khỏi tầm nhìn, cho tới thiết kế màn chơi phối màu âm u khiến bạn khó thấy đường đi nước bước. Thú vị và ức chế không kém là tuy Mono có thể chiến đấu, nhưng những cú vung vũ khí nặng nề luôn có khoảng lặng giữa thao tác bấm nút và chuyển động trên màn hình. Đặc biệt là những cảnh về sau chiến đấu khá ức chế, đòi hỏi sự chính xác cao và đúng thời điểm trong khi yếu tố đầu vốn không hề có trong cảm giác điều khiển.
Đó là chưa kể, từ góc nhìn camera cố định cho tới cả khía cạnh giải đố cũng thiết kế cố ý gây ức chế. Không quen vì quá quen. Tất cả đều là “đặc sản” của Little Nightmares và tựa game hậu bản cũng chẳng hề ngoại lệ. Nhà phát triển Tarsier Studios hết sức cao tay khi “luôn luôn thấu hiểu”. Họ rất biết cách giăng những quả lừa người chơi bằng những hình ảnh rất thuyết phục, dù không phải trong mọi trường hợp mà bạn tìm ra phương án giải đố. Vấn đề ở chỗ, những gì xuất hiện trong trải nghiệm có thể không như những gì bạn đã thấy và ngược lại.
Kỳ thực, đó là thiết kế chủ ý và mang đậm dấu ấn riêng của Little Nightmares và phần tiếp theo chỉ kế thừa thành tựu này. Đây là cách cực kỳ hiệu quả để tăng cường nỗi sợ hãi bao trùm trải nghiệm khi bạn điều khiển nhân vật chính khám phá và giải đố. Từ góc nhìn camera kỳ cục cho đến phối cảnh mang cảm giác có gì đó sai sai, tất cả đều là những thiết kế được tính toán cẩn thận và tỉ mỉ để “gieo mầm” trải nghiệm mà đội ngũ phát triển muốn định hướng nhằm thao túng cảm giác của người chơi. Có lẽ vì vậy mà nửa sau trải nghiệm khiến tôi cảm thấy rùng mình hơn.
Không những vậy, nhân vật Six do AI điều khiển cũng có đủ trò khiến bạn tức điên vì sự lề mề và vụng về quen thuộc được “sao y bản chính” từ trải nghiệm Little Nightmares. Những khoảnh khắc kết hợp giải đố với nhân vật này chỉ diễn ra khi người chơi biết phải làm gì. Đơn cử như nếu bạn không chủ động lại gần vị trí cần tương tác đứng chờ trước, Six cũng chỉ đứng đâu đó xa xa nhìn bạn một cách tội nghiệp mà thôi. Thậm chí, ngay cả khi bạn đi loanh quanh dò dẫm thì nhân vật này cũng không dễ bị lừa mà ngu ngơ chạy lại nơi cần tương tác thay lời gợi ý đâu nhé!
Ngược lại, trong những lúc dầu sôi lửa bỏng thì “cô bé áo vàng” Six lại co giò chạy trước nhanh như chớp và mặc kệ bạn ra sao. Kỳ thực, chỉ nhìn thôi cũng đủ khiến tôi ứa gan ức chế vì thái độ. Chẳng bù với những khoảnh khắc đi cảnh mà bạn điều khiển Mono nắm tay Six trông đáng yêu cực kỳ. Vậy mà đến lúc hoạn nạn thì thân ai nấy lo như hai đứa bạn thân! Cũng may là những khoảnh khắc hành động lén lút chỉ được tính trên hành động của người chơi, chứ nếu tính luôn hành động không sai vì quá sai của AI thì chắc còn khiến tôi ức chế 96 lần.
Đó là chưa kể các thao tác cơ bản cũng không hề được hướng dẫn cho đến thời điểm nào đó game thấy bạn cứ đứng ngu ngơ đến phát tội. Khía cạnh giải đố thì khỏi nói khi thường mang đến cảm giác ức chế vì bạn không thể “nhìn hình ảnh đoán lời giải” trong trải nghiệm. Các câu đố không có bất kỳ gợi nhắc cho bạn biết thứ gì đó có thể tương tác hay không mà thường mặc kệ bạn tự mò mẫm, nhiều khi đúng kiểu hay không bằng hên. Tuy nhiên, những câu đố về sau trải nghiệm nhất là chapter cuối khiến tôi khá ấn tượng và thỏa mãn vì thiết kế xuất sắc.
Trải nghiệm Little Nightmares II đáng sợ hơn so với phần chơi trước và cảm giác này được gieo rắc từ từ bằng hình ảnh và âm thanh, tạo nên bầu không khí căng thẳng khiến bạn càng dễ hoảng sợ trong trải nghiệm về sau. Thậm chí, nó còn khiến người viết ra mồ hôi tay và trượt tay khỏi nút cò vài lần trong trải nghiệm, đến khi tôi phát hiện ra vì mải mê chơi mà quên bật điều hòa giữa thời tiết khá nóng vào buổi trưa ở đây. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là trò chơi có rất nhiều khoảnh khắc khiến bạn ức chế đến tức điên, chẳng hề kém cạnh phần chơi trước.
Nếu không vì bạn kém may mắn thì cũng do khoảnh khắc bấm nút sai thời điểm hoặc cảm giác điều khiển vụng về được thiết kế chủ ý khiến nhân vật “toang”. Một điểm cộng cũng không thể không nhắc đến là thời lượng Little Nightmares II dài hơn gấp rưỡi so với phần đầu, nhưng cũng chỉ tương đương trải nghiệm Little Nightmares Complete Edition nếu tính cả thời lượng chơi của game nguyên bản và DLC Secrets of the Maw. Tuy nhiên, thời lượng này dài hay ngắn còn tùy thuộc vào trình độ và sự nhạy bén của người chơi trước môi trường đầy cạm bẫy chết người trong game.
Sau cuối, Little Nightmares II mang đến một trải nghiệm đi cảnh giải đố xuất sắc về đồ họa, âm thanh và xây dựng không khí rùng rợn đặc trưng. Không những thế, câu chuyện kể không lời vẫn tiếp tục là điểm cộng của phần chơi này với cốt truyện diễn biến bất ngờ và khó lường. Tuy yếu tố thu thập “ba hồn bảy vía” tạo giá trị chơi lại thú vị nhưng không nhiều. Nếu yêu thích phần đầu của series, đây là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc không chỉ khía cạnh nghe nhìn và gameplay, mà cả sự ức chế mà nó mang đến trong trải nghiệm.
Little Nightmares II được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Bản PlayStation 5 và Xbox Series X|S dự kiến sẽ sớm ra mắt trong năm nay.
Little Nightmares II (Code needed+, Microsoft Store) →
Little Nightmares II ($ 29.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Đăng nhận xét