Từ vụ xả súng đẫm máu tại Atlanta: Không chỉ 'giấc mơ Mỹ' tan vỡ, người gốc Á đang phải chịu đựng sự thù ghét trên toàn thế giới
Vụ xả súng kinh hoàng và đau thương tại Atlanta (Mỹ) khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 nạn nhân là phụ nữ gốc Á đã gây ra một sự phẫn nộ rất lớn trong cộng đồng. Phong trào chống thù ghét bạo lực với người gốc Á vì thế đang gia tăng rất nhanh tại Mỹ. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề của chỉ riêng nước Mỹ.
Từ Anh tới Úc, các báo cáo liên quan đến những vụ tấn công thù địch với người Phương Đông và Đông Nam Á đang gia tăng kể từ khi đại dịch xuất hiện năm 2020. Ít nhất 11 người từ phương Đông và Đông Nam Á đã liên hệ với CNN để mô tả về các trường hợp phân biệt chủng tộc xảy ra với mình, chẳng hạn như bị xa lánh trên tàu hỏa, bị xúc phạm bằng lời nói, thậm chí là tấn công bạo lực.
Việc Trung Quốc được xem là nơi khởi phát dịch bệnh đã tạo ra cơ sở khiến những người gốc Á trở thành mục tiêu bị phân biệt. Nhưng nhiều quốc gia ở châu Âu - bao gồm cả Pháp, Đức và Bỉ - đã không thu thập các số liệu về chủng tộc vì một số lý do trong quá khứ, dẫn đến việc đánh giá chính xác quy mô của vấn đề trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, những con số đang có cũng không biết nói dối.
Tại Anh, nhiều vụ việc liên quan đến làn sóng thù địch đã được ghi nhận. Sở cảnh sát London cho biết có hơn 200 vụ phạm tội chống lại người gốc Á đã xảy ra trong giai đoạn tháng 6 - 9/2020 - một bước tăng tới 96% so với cùng kỳ năm trước đó.
Peng Wang - giảng viên ĐH Southampton (Anh) là một nạn nhân của phong trào này. Anh cho biết mình đã bị 4 người tấn công khi đang đi bộ gần nhà vào một buổi chiều giá lạnh.
Peng Wang và khuôn mặt nhuốm máu sau vụ tấn công
Khi đó, nhóm người kia đã hét vào mặt vị giảng viên 37 tuổi những từ ngữ đầy chất kỳ thị như "đồ virus Trung Quốc". Khi Wang hét lên đáp trả, nhóm kia bèn rời khỏi ô tô và lao vào tấn công. Anh trở về với chiếc mũi nhuốm máu, khuôn mặt trầy xước, và sợ đến mức chẳng dám rời nhà. Anh lo lắng cho tương lai của mình tại Anh, và sự an nguy của con trai.
"Những gì chúng làm không nên xảy ra trong xã hội ngày nay. Chúng đối xử với tôi như súc vật vậy" - anh cay đắng nói. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ 2 kẻ tình nghi.
Theo một khảo sát hồi tháng 6/2020, 3/4 người gốc Trung Quốc tại Anh cho biết đã từng đối mặt với những hành động phân biệt chủng tộc. "Các nạn nhân mô tả lại việc bị tấn công như thế nào. Từ việc nhà hàng châu Á bị phá hoại, tẩy chay, rồi các nạn nhân bị đánh đập hoặc bị ho vào mặt ngay giữa đường, cho đến chuyện bị xúc phạm, bị đổ lỗi vì đại dịch" - trích lời David Linden, nhà lập pháp người Scotland.
Những giấc mơ tan vỡ
Khi đại dịch oanh tạc châu Âu, các nhà hoạt động tại Tây Ban Nha và Pháp đã sớm nhận ra vấn đề. Trào lưu #NoSoyUnVirus (tạm dịch: Tôi không phải virus) đã được khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và kìm hãm bớt bạo lực dành cho người gốc Á.
Tháng 3/2020, một người Mỹ gốc Trung - Thomas Siu - chia sẻ anh đã bị tấn công tàn tệ ngay tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, sau khi có 2 kẻ hét những từ miệt thị chủng tộc liên quan đến virus corona với Anh.
Siu khi đó vẫn còn là du học sinh (sau đại học). Anh cho biết trong vòng tháng 1 - 3/2020, anh đã trải qua ít nhất 10 lần bị miệt thị. Vậy nên lúc ấy anh không thể chịu được nữa mà hét lên đáp trả. Tiếc là 2 kẻ đó không dừng lại. Chúng tiến đến và đánh anh bất tỉnh.
"Tôi vẫn biết là phân biệt chủng tộc luôn ở đó, và mọi người thì không chú ý đến," - Siu chia sẻ.
Một gia đình gốc Malaysia từng suýt bị đâm chết khi đại dịch mới đến Mỹ hồi tháng 3/2020
Susana Ye - phóng viên 29 tuổi người Tây Ban Nha cho biết các vụ tấn công phân biệt chủng tộc với người gốc Á tại Tây Ban Nha dường như đã trở thành... chuyện bình thường, và chẳng được truyền thông chú ý đến.
"Với nhiều người đây chẳng phải là vấn đề gì to tát, bởi giới phóng viên cũng không thân thuộc với các cộng đồng này" - cô chia sẻ. "Họ không có góc nhìn khác về phân biệt chủng tộc, cũng không để ý gì đến các cộng đồng khác ngoài chính họ."
Theo Susana, có nhiều vấn đề khiến các nạn nhân ngại trình báo tại Tây Ban Nha. Trong đó có rào cản ngôn ngữ, nỗi sợ bị tảng lờ, và xu hướng giữ im lặng của thế hệ lớn tuổi.
Quan Zhou Wu - tác giả vẽ truyện tranh tại Tây Ban Nha cũng đồng tình. "Vụ xả súng tại Atlanta thậm chí còn không lên trang nhất tại Tây Ban Nha. Đó chỉ là tin cực kỳ nhỏ, như thể vô hình vậy" - cô nhận định.
Báo cáo năm 2019 từ chính phủ Tây Ban Nha cho thấy có 2,9% người gốc Á sống tại quốc gia này là nạn nhân của làn sóng thù địch. Nhưng dù được ghi nhận, các số liệu lại không chia theo chủng tộc. Còn tại Pháp, các nhà hoạt động cho biết đại dịch đã khiến nạn phân biệt chủng tộc trở nên tệ hại hơn với người châu Á.
Cảm giác bị đổ lỗi
Trở lại với Anh Quốc, du học sinh từ Singapore Kay Leong cho biết bản thân cô đã bị một người bán hoa hồng trên phố hét thẳng vào mặt cụm từ "virus corona" sau khi từ chối mua hoa của y.
"Tôi không phải người Trung Quốc, nhưng có cảm giác mọi người châu Á đều bị đổ lỗi trong câu chuyện phân biệt chủng tộc này" - cô chia sẻ. "Tôi cũng nhận ra nhiều ánh nhìn dò xét hơn. Nhưng thực ra thì câu chuyện này cũng chẳng mới. Tôi đã phải đối mặt với nó từ khi mới đặt chân đến London vào năm 2016."
Kate Ng - phóng viên 28 tuổi của trang Independent, sở hữu 2 dòng máu Malaysia và Trung Quốc. Cô cho biết dù các vụ tấn công tại Mỹ có sức lan tỏa lớn hơn, thì các sự vụ ghi nhận tại Anh có thể khiến cộng đồng Đông Nam Á cảm thấy ớn lạnh.
"Đôi lúc tôi muốn tiến đến đám đông ngoài kia. Nhưng rồi tôi tự hỏi: 'Liệu có khi nào mình sẽ dễ bị tấn công hơn không?' Nỗi sợ ấy thực sự mãnh liệt."
Đăng nhận xét