Đánh giá game Wonder Boy: Asha in Monster World
Wonder Boy: Asha in Monster World là bản làm lại của game đi cảnh 2D Monster World IV kinh điển thời đại 16 bit của Sega từ hệ máy Genesis. Đây là cái tên mà nhiều người chơi trong nước ít biết đến, nguyên nhân chủ yếu là do nó được ra mắt vào thời điểm Super Famicom hoàn toàn thống trị vào giữa thập niên 90. Với bản làm lại, nhà phát triển Artdink chọn hướng thiết kế tôn trọng nguyên bản trong thiết kế kết cấu màn chơi cùng cơ chế gameplay đơn giản. Khác biệt lớn nhất là khía cạnh nghe nhìn được làm mới hoàn toàn.
Dành cho bạn nào không biết thì Wonder Boy hay Monster World có xuất phát điểm từ hệ máy Master System của Sega. Nếu tính luôn Wonder Boy: Asha in Monster World thì series này đã có 10 game, gồm ba bản làm lại cộng với bảy nguyên bản. Monster World IV là phần chơi thứ sáu và cũng là tựa game thứ ba trong series này được làm lại. Trước đó còn có Wonder Boy III: The Dragon Trap được làm lại cùng phần chơi đầu tiên. Monster Boy and the Cursed Kingdom ra mắt năm 2018 là phần chơi mới nhất không chính thức của series game này.
Khác với các phần chơi trước trong series Wonder Boy có cốt truyện nối tiếp nhau, Monster World IV lại xây dựng câu chuyện kể độc lập như Monster Boy and the Cursed Kingdom đã làm. Trải nghiệm game đưa người chơi điều khiển nhân vật chính Asha với ước mơ làm dũng sĩ và lên đường khi nghe được lời thì thầm của gió. Trong chuyến hành trình, cô gái trở thành chủ nhân của thần đèn bụng phệ nhưng rồi lạc lối đến thị trấn Rapadagna và nghe được câu chuyện về bốn tinh linh nguyên tố bị mất tích.
Nếu tình tiết này có phần hao hao Shantae and the Seven Sirens thì nhận xét của bạn cũng không sai, nhưng Wonder Boy: Asha in Monster World mang cảm giác như bản lite của tựa game nói trên. Trò chơi có thời lượng rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 3 tiếng đồng hồ và trải dài trong năm màn chơi mang thiết kế khá đa dạng. Từ hang động nham thạch nóng đổ lửa cho đến rừng vàng biển bạc, thậm chí chuyển qua kim tự tháp băng giá khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn hơn. Mỗi màn chơi đều sở hữu kẻ thù mang dấu ấn riêng.
Tương tự, nhân vật chính cũng khá đơn giản trong cơ chế hành động, đúng như những gì tôi vẫn nhớ về Monster World IV kinh điển trước đây. Ngoài tấn công và đỡ đòn, Asha còn sở hữu kỹ năng thọc kiếm lên không và xuống dưới, khá hữu hiệu trong nhiều trường hợp chiến đấu. Wonder Boy: Asha in Monster World chỉ bổ sung thêm tuyệt chiêu xoay kiếm bằng phép thuật mà tôi không nhớ có trong nguyên bản. Đáng chú ý là cơ chế bật ngược khi nhân vật điều khiển chạm phải kẻ thù nhưng đa phần là không bị mất máu.
Thay đổi này giúp trải nghiệm Wonder Boy: Asha in Monster World có phần dễ hơn nguyên bản. Tuy nhiên, tính năng này cũng phát sinh vấn đề mới trong một số trường hợp hy hữu khi kẻ thù xuất hiện đông trên màn hình, đặc biệt là màn chơi đầu tiên trong hang động nham thạch. Khi đó, pha bật ngược giữa nhiều kẻ thù tạo nên vòng lặp vô tận khá ức chế. Nếu bạn cẩn thận tiêu diệt từng kẻ thù thay vì cố gắng né tránh để speedrun thì hiếm gặp tình trạng này. Dù vậy, speedrun cũng không có nhiều ý nghĩa khi thời lượng game khá ngắn.
Ở góc độ người chơi, thiết kế bản làm lại theo hướng trung thành với game gốc cũng không phải không gây vấn đề mới. Không thể phủ nhận cảm giác hoài cổ là điểm cộng lớn nhất với người chơi yêu thích series Wonder Boy ngày xưa. Thế nhưng, lối chơi cũ kỹ với những hành động quá sức đơn giản khiến nó cũng vô tình trở thành điểm yếu lớn nhất của Wonder Boy: Asha in Monster World. Không những vậy, thao tác nhảy hai bước được xây dựng có phần phức tạp để trung thành với câu chuyện kể nguyên bản cũng để lại cảm giác khá trái chiều.
Cụ thể, Wonder Boy: Asha in Monster World sử dụng Pepelogoo cho thao tác nhảy hai bước. Mỗi khi thực hiện, bạn phải giữ nút bấm để gọi nhân vật này đến. Tuy thời gian thường mất không đến ba nốt nhạc, nhưng cũng khiến việc nhảy hai bước trở nên khá phiền phức và mất chút thời gian ban đầu để làm quen, đặc biệt khi bạn sử dụng nó rất thường xuyên trong phần lớn trải nghiệm. Bù lại, điểm cộng của “cơ chế” Pepelogoo là nhân vật này khá hữu ích trong trải nghiệm đi cảnh ở các màn chơi chứ không chỉ thao tác nhảy hai bước.
Thế nhưng, đây không phải vấn đề duy nhất của trò chơi. Một số thiết kế cũng để lại cho tôi chút cảm giác khó chịu vì hành động lặp đi lặp lại của nhân vật. Đơn cử như động tác lắc mông của Asha mỗi khi mở rương đồ diễn ra suốt trải nghiệm không hề thay đổi cho đa dạng. Số lượng rương đồ khổng lồ mà bạn thu thập trong suốt trải nghiệm có mật độ rất dày. Việc phải nhìn mãi mông nhân vật chính khiến tôi ức chế hơn hào hứng, nhất là khi mỗi lần như thế mất ít nhất ba nốt nhạc. Phải chi nhà phát triển thiết kế nhiều chuyển động hơn.
Tương tự, chiến đấu trong Wonder Boy: Asha in Monster World cũng đơn giản như các cơ chế gameplay khác của trò chơi. Nó đơn giản đến mức mang đến cảm giác chiến đấu chỉ có một màu, không đa dạng và cũng không cần chiến thuật gì dù kẻ thù cũng có bài tấn công khá đa dạng. Ngay cả boss cũng thế, không mang tạo hình hài hước như Wonder Boy The Dragon Trap hay Monster Boy and the Cursed Kingdom mà có phần hao hao nhau, nhất là các mini-boss mà Asha đụng độ ở giữa mỗi màn chơi. Ngay cả chiến thuật để đối phó với chúng cũng vậy.
Wonder Boy: Asha in Monster World cũng không có giá trị chơi lại. Bản làm lại được thiết kế trải nghiệm khá tuyến tính giống như nguyên bản Monster World IV. Bạn phải hoàn thành thế giới đầu tiên mới có thể đi đến thế giới thứ hai và cứ thế. Đáng chú ý, một trong những cơ chế khó hiểu từ game gốc là hệ thống energy đóng vai trò thanh máu phụ của nhân vật vẫn được duy trì. Vấn đề ở chỗ, cơ chế khó hiểu này ban đầu vốn đã không mang ý nghĩa gì khi thay vì một, nhân vật lại có hai thanh máu và được sử dụng tiếp nối nhau.
Sau cuối, Wonder Boy: Asha in Monster World mang đến một trải nghiệm đi cảnh khá hào hứng, hướng đến thiết kế hiện đại hóa khía cạnh nghe nhìn nhưng vẫn giữ trọn vẹn cảm giác hoài cổ quen thuộc. Tuy nhiên, việc nhà phát triển quá đặt nặng định hướng trung thành với nguyên bản cũng dễ trở thành điểm trừ không tránh khỏi của trò chơi, đi kèm với mức giá quá cao so với thời lượng chơi và những gì bạn nhận được trong trải nghiệm game. Dẫu thế, nếu bạn là “fan cứng” của series Wonder Boy, đây kỳ thực vẫn là cái tên rất đáng chú ý và ngược lại.
Wonder Boy: Asha in Monster World hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Wonder Boy: Asha in Monster World (0 , Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Đăng nhận xét