Đánh giá game Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin
Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin tuy là hậu bản của game phiêu lưu nhập vai Monster Hunter Stories, nhưng sở hữu câu chuyện kể độc lập cùng dàn nhân vật hoàn toàn mới. Người chơi không nhất thiết phải trải nghiệm tiền bản để hiểu cốt truyện. Phần chơi này mang đến nhiều cải tiến đáng chú ý, không chỉ tạo cảm giác mới mẻ ở khía cạnh đồ họa mà cả trong cơ chế gameplay quen thuộc và mang đậm dấu ấn riêng của series spin-off Monster Hunter Stories so với các phần chơi chính của dòng game Monster Hunter.
Thậm chí, bạn cũng không cần kinh qua bất kỳ game “Thợ săn quái vật” nào trước khi bước chân vào thế giới của Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin. Đây là điểm cộng lớn nhất của trò chơi khi sở hữu thiết kế vô cùng thân thiện với số đông, điều mà các phần chơi chính trong series Monster Hunter luôn làm khó người chơi mới. Sự thay đổi này thể hiện rõ nét khi nhân vật của người chơi không còn gọi là Hunter nữa. Thay vào đó là Rider với khả năng cưỡi monstie, cùng nhau khám phá và chiến đấu với bầy thú của nhân vật chính.
Tuy nhiên, trải nghiệm game có một số đề cập liên quan đến các nhân vật trong phần chơi trước, chẳng hạn nhắc tới bạn của Navirou hay Legendary Rider. Những nhân vật này tuy không quan trọng, nhưng có thể gây chút thắc mắc với những ai chưa chơi Monster Hunter Stories. Ngoài vấn đề đó ra, bản Wings of Ruin sở hữu nhiều cải tiến đáng chú ý, đặc biệt là quy mô trò chơi cũng mở rộng hơn. Dễ thấy nhất từ đầu trải nghiệm là phần tùy biến diện mạo nhân vật chính phong phú hơn rất nhiều so với phần chơi trước.
Dù vậy, bạn không cần quá chú trọng việc tùy biến nhân vật ở đầu trải nghiệm này. Nếu muốn, người chơi vẫn có thể thay đổi nhiều chi tiết như hình xăm hay kiểu tóc ở nhà riêng trong làng. Tiếp đến là thiết kế thế giới trong Monster Hunter Stories 2: Wing of Ruin rộng lớn, đa dạng và rực rỡ hơn phần chơi trước của series. Các Monster Den cũng có quy mô thiết kế lớn hơn. Thích mắt nhất là những gam màu tươi sáng ngập tràn màn hình và đẹp rạng ngời trong từng khung cảnh của trải nghiệm khám phá hay ngôi làng mà bạn dừng chân.
Thông qua khám phá, người chơi lẻn vào các Monster Den ăn trộm trứng của các quái vật, mang về ấp thành monstie thuần hóa nhằm phục vụ cho mục đích khám phá và chiến đấu trong trải nghiệm. Thay vì sử dụng các kỹ năng thợ săn như Monster Hunter Rise, người chơi tận dụng kỹ năng của các bé monstie đáng yêu để leo trèo, bơi lội và tương tác với những địa hình khác nhau trong khám phá. Yếu tố này cũng giúp nhân vật thu thập các loại nguyên liệu chế tác thành vật phẩm hữu ích trong trải nghiệm chiến đấu.
Khác với Monster Hunter Rise thiên về hành động chặt chém, Wings of Ruin sử dụng hệ thống chiến đấu theo lượt kinh điển với nhiều điều chỉnh thú vị. Một trong số đó là tam giác tương khắc đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật của người chơi. Về cơ bản, nó giống trò oẳn tù tì trong dân gian khi xoay quanh ba đòn tấn công cơ bản Power, Speed và Tecnical khắc chế lẫn nhau. Thiết kế này mang đến cảm giác chiến đấu vừa quen thuộc vừa mới mẻ, nhất là những ai lần đầu trải nghiệm series Monster Hunter nói chung và Stories nói riêng.
Đáng chú ý, Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin có nhiều cải tiến thú vị so với hệ thống chiến đấu trong phần chơi trước. Đơn cử như nhân vật có thể sử dụng mọi vật phẩm trong chiến đấu chứ không bị hạn chế như trước nữa và nhiều nữa. Không những vậy, bạn còn dễ dàng thay đổi vũ khí cho phù hợp với từng loại kẻ thù ngay trong trận chiến, tất nhiên là không tốn lượt. Tương tự hệ thống tam giác tương khắc nói trên, vũ khí cũng chia thành ba nhóm Slash, Piercing và Blunt. Mỗi nhóm vũ khí đóng vai trò khác nhau trong chiến đấu.
Đơn cử như các vũ khí thuộc nhóm Slash thiên về dồn combo bằng cách sử dụng thanh tuyệt kỹ và đỡ đòn. Ngược lại, vũ khí nhóm Blunt thiên về sát thương khủng, khá hữu dụng trong những lúc bạn cần phá “giáp” của kẻ thù. Piercing là nhóm vũ khí mới trong Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin so với phần trước. Dù vậy, các vũ khí này không hề xa lạ trong những game Monster Hunter chính. Chúng có khả năng tấn công thuộc tính, khá hữu dụng trong việc cộng dồn sát thương theo từng lượt đánh nối tiếp nhau.
Kết hợp cả hai yếu tố tương khắc này mang đến trải nghiệm chiến đấu vô cùng hấp dẫn và có chiều sâu. Nó đòi hỏi người chơi phải hiểu rõ bản chất của chúng để triển khai đòn tấn công hiệu quả. Nói cách khác, chuyển đổi qua lại giữa các monstie và vũ khí khác nhau đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu. Đó là chưa kể người chơi cũng cần hiểu rõ đặc tính của con quái vật mà bạn đối đầu để giành chiến thắng, nhất là thiên hướng tấn công của chúng trong những tình huống khác nhau. Nhận định sai luôn khiến bạn phải trả giá.
Đáng nói, trải nghiệm đặc trưng buộc người chơi phải cày cuốc khá nhiều, đặc biệt khi bạn muốn đối đầu những Royal Monster siêu mạnh. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, hậu quả nhãn tiền là điều rất dễ thấy. Kỳ thực, cảm giác hạ gục Royal Monster rất khó tả và cũng là một trong nhiều lý do khiến tôi không ngại cày cuốc khi trải nghiệm Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin. Thế nhưng, người chơi chỉ có thể điều khiển nhân vật chính, trong khi các đồng đội từ người đến monstie đều cho AI đảm nhận.
Kỳ thực, khả năng chiến đấu của các bạn AI rất hiếm khi khiến người viết cảm thấy ức chế như không ít trải nghiệm trước đây. Tuy đồng đội AI không thể chiến đấu hiệu quả như người chơi nhưng vẫn vô cùng hữu dụng. Bạn thậm chí có thể sử dụng các vật phẩm hỗ trợ như bom và bẫy, kết hợp cùng khả năng “hợp thể” monstie và nhân vật chính để thi triển ‘Ride’. Tuyệt kỹ này không chỉ ấn tượng với chuyển động diễn hoạt, mà còn rất hài hước giúp tăng thêm cảm giác thú vị cho trải nghiệm chiến đấu vốn đã rất hào hứng.
Hấp dẫn không kém là trải nghiệm thuần hóa quái vật. Để ấp ra chúng, bạn phải đi trộm trứng trong các Monster Den. Về cơ bản, đây là trải nghiệm khám phá và chiến đấu nơi hang động với quy mô màn chơi nhỏ hơn. Trong đó, người chơi phải lùng sục mọi ngóc ngách để tìm và chọn ra quả trứng có tố chất tốt nhất dựa trên gọi ý của Navirou, giúp tăng khả năng ấp ra monstie hiếm. Không những thế, bạn còn có thể trao đổi gen giữa chúng để tạo ra đội hình monstie mơ ước và phù hợp với chiến thuật cá nhân trong trải nghiệm chiến đấu.
Vấn đề lớn nhất của Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin là hiệu năng không tối ưu hóa tốt bằng Monster Hunter Rise. Gọi là không bằng nhưng không có nghĩa là tệ mà ngược lại nó khá tốt. Trò chơi không được phát triển bằng RE engine và cũng không dùng đến giải pháp dynamic resolution như thường thấy. Lựa chọn này của nhà phát triển giúp chất lượng hình ảnh rất tương đồng trong suốt trải nghiệm, nhưng hiệu năng có chút thua kém vẫn là điều khá đáng tiếc, đặc biệt khi trải nghiệm game ở chế độ handheld trên Nintendo Switch.
Sau cuối, Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin mang đến một trải nghiệm phiêu lưu nhập vai đặc sắc. Mặc dù vấn đề cày cuốc có thể là điểm trừ theo quan điểm không ít người chơi, nhưng cảm giác thỏa mãn mà trò chơi mang đến trong gần như mọi khía cạnh biến nó trở thành cái tên phải có trong thư viện game của bạn. Đơn giản vậy thôi!
Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin ($ 59.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét