Thai phụ mắc Covid-19 mất con khi đang điều trị, trải qua 45 ngày thở máy, 16 ngày ECMO và sự hồi phục 'kì diệu'
Chị N. mắc bệnh vảy nến, mang thai 22 tuần, do có yếu tố dịch tễ nên được cách ly và có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 ngày 28/5. Sản phụ được chuyển đến Bệnh viên Đa khoa Bắc Giang trong tình trạng suy hô hấp tăng, phải đặt ống nội khí quản, thở máy tối ưu và can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Chị được chuyển gấp lên Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chiều 2/6, trong tình trạng duy trì thuốc an thần, vận mạch, thở máy qua ống nội khí quản, duy trì hệ thống ECMO, trên da toàn thân nhiều ban dát tổn thương vảy nến.
Các bác sĩ chỉ định siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi và lọc máu hấp thụ độc tố Cytokines lần thứ nhất.
Chị N. được xuất viện sau gần 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: BVCC) |
Trong 11 ngày (từ 2/6 đến 13/6), bệnh nhân được lọc máu hấp phụ độc tố Cytokines 6 lần. Bệnh tiến triển chậm, tổn thương phổi chậm hồi phục, rối loạn đông máu nặng nề. Thai nhi được bác sĩ sản khoa theo dõi sát sao hàng ngày, đánh giá qua thăm khám và siêu âm, cân nặng tương ứng với tuổi thai. Do tình trạng mẹ quá nặng và thai còn nhỏ tuổi, bác sĩ sản khoa có tiên lượng xấu đối với thai nhi.
Ngày 16/6, sản phụ có tình trạng chảy máu nhiều qua sonde tiểu, siêu âm có nhiều máu cục tại bàng quang, xét nghiệm tổng phân tích máu cho kết quả mất máu nặng, tiểu cầu giảm nặng. Bệnh nhân sốc mất máu và nguy cơ tử vong do chảy máu.
Bác sĩ hồi sức kết hợp bác sĩ ngoại khoa nội soi bàng quang lấy máu cục tại giường và rửa bàng quang liên tục. Thông qua nội soi bác sĩ đã tìm thấy điểm chảy máu tại cổ bàng quang, từ đó điều trị nội khoa cầm máu, truyền khối hồng cầu cấp cứu và truyền các chế phẩm của máu để bổ sung yếu tố đông máu, kết hợp lọc máu liên tục đảm bảo cân bằng nội môi trong cơ thể.
Ngày 17/6, bệnh nhân kết thúc ECMO thành công sau 16 ngày điều trị tích cực. Chức năng phổi cải thiện chậm, qua thăm khám đánh giá hàng ngày bác sĩ phát hiện thai 23 tuần tuổi bị chết lưu. Bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu nặng, sốt cao, phù toàn thân, bác sĩ tiếp tục chỉ định lọc máu liên tục, thở máy tối ưu trong ARDS, cầm máu bàng quang nội khoa, kết hợp điều trị kháng sinh, kháng nấm.
Ngày 21/6, sau hội chẩn về tình trạng thai lưu, các bác sĩ kết luận chưa can thiệp sẩy thai lưu do nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng cho mẹ. Bệnh nhân được theo dõi sát sao từng diễn biến trên lâm sàng và xét nghiệm.
Ngày 24/6, bệnh nhân chuyển dạ tự nhiên, bác sĩ chuyên khoa sản theo dõi sát sao, đỡ rau và thai lưu, kiểm soát tử cung. Sau sảy thai lưu, bệnh nhân được đảm bảo về hô hấp, tuần hoàn.
Đến ngày 16/7, sau 45 ngày thở máy và chăm sóc tích cực, bệnh nhân tiến triển tốt, chức năng phổi hồi phục, cơ lực tốt, có thể vận động nhẹ tại giường. Bác sĩ cho bệnh nhân cai máy thở, tự thở tốt. Tình trạng chảy máu bàng quang sau 1 tháng điều trị cầm máu nội khoa đã tạm thời ổn định, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Ngày 23/7, sau 51 ngày chăm sóc tích cực, với 10 lần lọc máu, 45 ngày thở máy, 16 ngày ECMO, bệnh nhân hồi phục tốt, tự thở khi phòng, tự đi lại được, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp, được chuyển tuyến cơ sở để theo dõi tiếp.
Thạc sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa HSTC cho biết, đây là ca bệnh ECMO thứ 3 hồi phục ngoạn mục và xuất viện. Hiện Khoa còn 20 bệnh nhân nặng, trong đó 17 người thở máy và 4 người can thiệp ECMO.
Đăng nhận xét