Đánh giá game Klang 2
Klang 2 là hậu bản của game hành động cùng tên với hướng đi thú vị so với người tiền nhiệm khi kết hợp yếu tố ngẫu nhiên trong vòng lặp gameplay tương đối đơn giản của thể loại này. Trải nghiệm game chủ yếu xoay quanh hệ thống chiến đấu nhịp độ nhanh theo âm nhạc với tính thử thách rất cao. Mặc dù sở hữu lối chơi tương tự các game âm nhạc trên thị trường, nhưng nhà phát triển Tinimations biến tấu trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và bất ngờ, đòi hỏi sự tập trung cao độ lẫn khả năng phản xạ nhanh như chớp từ người chơi.
Klang 2 mở đầu trải nghiệm khá dễ dàng, nhưng mức độ thử thách tăng cao bất ngờ chỉ sau vài bài nhạc đầu tiên. Ban đầu, nhân vật chính đứng ở vị trí giữa màn hình và vung tuneblade chiến đấu, nhưng tùy vào những nốt nhạc dưới dạng tương tác trên màn hình mà Klang dịch chuyển liên tục. Chính hành động này làm thay đổi nhịp độ trải nghiệm trở nên vô cùng thử thách, đặc biệt khi những nốt nhạc xuất hiện ở những vị trí ngẫu nhiên trên màn hình. Nói cách khác, không có lần trải nghiệm nào là giống nhau.
Trong suốt trải nghiệm, nhân vật Klang vung tuneblade thông qua điều hướng của người chơi. Các nốt nhạc như vòng tròn, hình vuông và mũi tên cần có sự tương tác khác nhau dù khá đơn giản. Thế nhưng, sự kết hợp giữa chúng khiến nhân vật chính di chuyển qua lại giữa các vị trí khác nhau trên màn hình. Điều đó cũng đồng nghĩa bạn phải liên tục xoay điều hướng nhân vật để tương tác với các nốt nhạc xuất hiện trên màn hình. Trải nghiệm game càng khó tùy thuộc vào tần suất nốt nhạc xuất hiện và nhịp độ của bài nhạc.
Vấn đề ở chỗ, thao tác chiến đấu đòi hỏi người chơi phải điều hướng nhân vật quay về phía các nốt nhạc trong khoảnh khắc bấm nút tương ứng. Chẳng hạn hình vuông là bấm nút giữ luôn, trong khi hình mũi tên phải xoay theo đúng hướng mũi tên. Những nốt tròn tưởng chừng dễ tương tác nhưng nói dễ hơn làm. Về sau, những nốt này còn có thêm vài “chiêu trò” làm khó người chơi. Tuy các ý tưởng nốt nhạc trong Klang 2 rất đơn giản, nhưng trải nghiệm game trở nên vô cùng thử thách không lâu sau đó và không dành cho người chơi thiếu kiên nhẫn.
Không chỉ nhịp độ mà cả tần suất xuất hiện của những nốt nhạc cũng tăng theo các bài nhạc EDM trong trải nghiệm game. Điều này đặc biệt đúng với những trận đánh boss luôn mang đến cảm giác hoành tráng và thử thách khả năng phản xạ, đến mức khiến bạn chỉ muốn ‘rage quit’ sau nhiều lần thất bại. Không những vậy, các nốt nhạc xuất hiện ở những vị trí ngẫu nhiên với tiết tấu rất nhanh và dễ gây lẫn lộn trong trải nghiệm đặc trưng. Có khi chúng còn bất ngờ dịch chuyển khiến bạn hoa mắt và không kịp phản xạ bấm nút.
Thiết kế này loại trừ khả năng học thuộc lòng vị trí nốt nhạc xuất hiện để hoành thành bài nhạc hoàn hảo như thường thấy ở các game tương tác theo nhịp nhạc trên thị trường, chẳng hạn Deemo -Reborn- mà tôi trải nghiệm hồi năm ngoái. Ban đầu, đó chỉ là vài bài nhạc không mấy thử thách để người chơi làm quen với cơ chế điều khiển. Thế nhưng từ bài nhạc thứ tư là nhịp độ thay đổi. Đó là chưa kể về sau, kẻ thù còn biết tấn công làm tiêu hao HP của nhân vật chính mỗi khi bạn bấm hụt hoặc trễ nốt nhạc.
Nếu để nhân vật điều khiển hết HP, bạn phải chơi lại từ đầu. Khó là ở chỗ đó. Đặc biệt, Klang 2 sở hữu những trận đánh boss vô cùng đáng nhớ vì thử thách tính kiên nhẫn của người chơi rất cao. Chẳng hạn, con boss thứ ba luôn khiến người viết chật vật “chiến đấu” đến ức chế vì mức độ tương tác quá dày và nhịp độ bài nhạc rất nhanh. Chưa kể, những trận đánh boss còn đi kèm “luật chơi riêng” trong trải nghiệm, đòi hỏi bạn phải thao tác nhuần nhuyễn cơ chế gameplay cơ bản và phản xạ nhanh nhạy mới mong giành chiến thắng.
Mặc dù vậy, đó đồng thời là cảm giác thử thách và tưởng thưởng vô cùng thỏa mãn mỗi khi người chơi hoàn thành bài nhạc. Không chỉ có trải nghiệm tương tác bấm nút theo nhạc, Klang 2 còn sở hữu cốt truyện gây nhiều tò mò thông qua những lời thoại khó hiểu giữa các nhân vật. Thế nhưng ngay cả khi bạn không quan tâm đến khía cạnh này, trải nghiệm game vẫn vô cùng hấp dẫn với những bài nhạc EDM sôi động, trừ khi bạn không thích dòng nhạc điện tử sôi động với tiết tấu nhanh và tràn đầy năng lượng.
Đồ họa trong Klang 2 không có gì nhiều để đề cập vì nó khá đơn giản và tương tự nhiều game cùng thể loại. Trò chơi có hiệu năng rất tốt trên tất cả các nền tảng. Vấn đề độ trễ hình ảnh và âm thanh luôn là thảm họa của các game âm nhạc cũng được nhà phát triển xử lý tốt, giúp trải nghiệm game dễ tiếp cận với số đông người chơi hơn. Đặc biệt, tuy trải nghiệm khá thử thách nhưng “mức độ dễ dãi” để đạt khoảnh khắc ‘Perfect’ khá rộng, không làm khó người chơi vì quá ngắn đến mức gây ức chế như phần lớn game khác.
Sau cuối, Klang 2 mang đến một trải nghiệm âm nhạc xuất sắc ẩn trong lối chơi đơn giản nhưng không kém phần thử thách. Điểm trừ lớn nhất trò chơi là độ khó tăng vọt bất ngờ, trong khi các nốt nhạc xuất hiện vị trí ngẫu nhiên khiến người chơi càng khó hoàn thành hoàn hảo bài nhạc như trường hợp của người viết. Dù vậy, đây vẫn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn, nhất là những ai thích thử thách và yêu thích dòng nhạc điện tử sôi nổi.
Klang 2 hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét