Chuyên gia Nga: Omicron có thể báo hiệu đại dịch sắp kết thúc

Hơn một tuần kể từ khi Nam Phi lần đầu báo cáo việc phát hiện biến thể Omicron lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể này đã có ở 38 quốc gia/vùng lãnh thổ. Nhiều chính phủ thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 3/12 thông báo họ có thể hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng biến thể Omicron có thể không đáng sợ như cách người ta hình dung về nó. Thậm chí, theo nhận định của ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên dự báo đại dịch bước vào giai đoạn kết thúc.

"Biến thể mới có nguồn gốc từ miền nam châu Phi dễ lây nhiễm hơn (Delta), nhưng mặt khác có dữ liệu gợi ý rằng nó gây ra triệu chứng nhẹ hơn - tức không gây tổn thương nặng ở phổi.

Tôi cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho đoạn kết của cơn ác mộng này. Tôi thật sự muốn lạc quan đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus bắt đầu thoái lui dần" - ông Nikoforov trả lời trên Đài phát thanh Govorit Moskva.

Theo vị chuyên gia, Omicron có thể dẫn virus SARS-CoV-2 đi vào con đường trở thành căn bệnh đường hô hấp theo mùa trong tương lai.

Một số chuyên gia cho rằng Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Còn theo nhà virus học Anatoly Altshtein, thuộc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya (Nga), ngay cả khi chủng này lây lan nhanh hơn chủng Delta, nó vẫn có thể phải mất nhiều tháng để trở thành chủng trội. Và kể cả khi điều này xảy ra, vẫn chưa thể khẳng định biến thể mới gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.

Ngược lại, ông Altshtein cho rằng có nhiều lý do để tin rằng biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn. Vị chuyên gia này giải thích: "Omicron có nhiều đột biến hơn cả Delta. Số lượng này là quá nhiều và có nghĩa là virus có bộ gien không ổn định. Theo quy luật thì nó sẽ ít lây nhiễm hơn vì về mặt tiến hóa, một số lượng lớn các đột biến dẫn đến khả năng lây bệnh yếu của virus".

Theo giáo sư, nếu quy tắc này đúng, thì Omicron sẽ chỉ gây tử vong đối với một số ít trường hợp nhiễm bệnh, và sẽ trở thành các bệnh lây nhiễm theo mùa thông thường.

Trong khi đó, giáo sư Karl Lauterbach tại Đại học Cologne (Đức) - người có tiềm năng sẽ trở thành bộ trưởng y tế trong chính phủ mới của Đức, cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là điều tích cực nếu nó gây bệnh nhẹ hơn các biến thể khác.

Báo Evening Standard ngày 29/11 dẫn lời ông Lauterbach nói rằng biến thể Omicron cho nhiều đột biến ở phần protein gai, đồng nghĩa nó đã được tối ưu để lây nhiễm và ít nghiêm trọng hơn, điều tương tự như hầu hết các virus gây bệnh hô hấp khác.

Thực tế là ngay ở Nam Phi, nơi đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này và số ca nhiễm đã trên 3 triệu (tỉ lệ tiêm ngừa của Nam Phi rất thấp, chỉ 35% dân số), nhưng chưa có ca tử vong nào do Omicron được báo cáo.

Trước đó, các chuyên gia y tế châu Phi cho hay những bệnh nhân mắc biến thể Omicron chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ như sốt, mệt mỏi, ho khan, đổ mồ hôi đêm.

Giáo sư Salim Abdool Karim tại Đại học KwaZulu-Natal, cựu cố vấn y tế của chính phủ Nam Phi, đánh giá rằng các vắc xin Covid-19 hiện nay có thể hiệu quả cao đối với biến thể Omicron, ngăn chặn việc nhập viện và các triệu chứng nặng.

Thùy Dương (Nguoiduatin.vn)

Tags: Thế Giới

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги