Vì sao Nam Phi từ chối vaccine Mỹ dù biến thể Omicron hoành hành?
Tuy vậy, tình hình vaccine ở châu Phi không chỉ đơn giản là vấn đề nguồn cung. Hiện thực này đã được thể hiện rõ ràng, khi những câu hỏi liên quan tới vaccine được đặt ra trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện và được xác định lần đầu ở miền Nam châu Phi.
Nam Phi đang phải đối mặt với nhiều thử thách tương tự như những gì xảy ra tại Mỹ trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng, thậm chí vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Nam Phi chỉ khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vào tháng 05, chậm hơn Mỹ và các nước châu Âu tới sáu tháng. Nước này cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển vaccine tới vùng sâu vùng xa và đối mặt với tình trạng nghi ngờ vaccine, giống như Mỹ và các nước châu Âu.
“Vì sao chúng ta phải bất ngờ trước sự thật rằng chúng ta cần giáo dục vaccine và can thiệp thói quen ở Nam Phi, khi ngay cả chúng ta cũng gặp những vấn đề tương tự? Chúng ta vẫn chưa xong việc ở Mỹ,” Saad Omer, giám đốc Viện Yale về Y tế Toàn cầu nói.
Chính phủ Mỹ có sự hỗ trợ của “những nhân vật hiểu biết về các giải pháp, từ tăng nguồn cung tới vận chuyển vaccine”, trong khi ở châu Âu không có những chuyên gia như vậy, theo Omer.
Giới chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là kết cục dễ đoán trước của tình trạng bất bình đẳng vaccine. Họ đã kêu gọi Mỹ, các nước châu Âu và các cơ quan như WHO nỗ lực hơn trong việc chia sẻ vaccine với các nước thu nhập trung bình, thấp. Nếu còn người chưa được tiêm chủng, virus corona vẫn còn cơ hội để tiếp tục đột biến và lây lan.
Hãng dược Pfizer cho biết năm trong tám nước bị Mỹ áp lệnh hạn chế di chuyển, bao gồm Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe, trong những tháng vừa qua đã đề nghị dừng nhận thêm vaccine do chưa giải quyết được các vấn đề liên quan.
“Chúng tôi có đủ vaccine dự trữ ở Nam Phi, thật vô lý nếu nhận thêm đơn đặt hàng, do đó chúng tôi đã chuyển một số đơn đặt hàng sang đầu năm tới,” Ron Whelan, người đứng đầu đội chuyên trách về Covid-19 của công ty bảo hiểm Discovery Ltd., trực tiếp tham gia chiến dịch tiêm chủng ở Nam Phi cho biết. Discovery phối hợp với chính phủ Nam Phi để mua vaccine và thiết lập hệ thống phân phối trên cả nước.
Whelan cho biết chương trình tiêm chủng của Nam Phi đạt đỉnh với khoảng 211.000 liều vaccine được tiêm trong một ngày. Tới tháng 09, tốc độ tiêm chủng toàn quốc ở nước này giảm còn 110.000 liều/ngày.
Ông giải thích ba lý do Nam Phi tiêm chủng chậm: tâm lý nghi ngờ vaccine, sự thờ ơ và các rào cản hệ thống, chẳng hạn như người dân không thể di chuyển tới các điểm tiêm chủng.
“Tôi có thể nói rằng rất khó tiếp cận vaccine, đặc biệt là khi các nước như Canada, Mỹ và một số quốc gia khác đặt hàng vaccine từ rất sớm với số lượng 3-4 lần những gì họ cần,” Whelan nói.
Nhà Trắng hôm 29/12 khẳng định các cơ quan liên bang Mỹ đang phối hợp với giới chuyên gia và các thể chế ở châu Phi để hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chính để khu vực này dễ tiếp cận vaccine hơn. Nhà Trắng cho biết đã chi 273 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ cho các nước châu Phi, trong đó có 12 triệu USD để vận chuyển và phân phối các liều vaccine.
Nếu tốc độ tiêm chủng không được đẩy nhanh, chỉ năm nước châu Phi, chiếm tổng số chưa đầy 10% dân số tại châu lục này, được dự đoán sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 40% dân số. Tính đến thời điểm này, châu Phi mới chỉ tiêm chủng đầy đủ 77 triệu người, tức là 6% tổng dân số.
Để so sánh, gần 60% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, và hơn 40 triệu người đã được tiêm bổ sung, theo Washington Post. Ở Nam Phi, 35% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, theo Bộ Y tế nước này. Malawi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 3% dân số, theo Our World in Data. Số người Mỹ đã được tiêm liều bổ sung thậm chí lớn hơn tổng số người đã được tiêm một liều ở tám nước châu Phi bị Mỹ áp hạn chế đi lại, theo phân tích của Public Citizen.
Các nước thu nhập cao đã cam kết quyên góp 1,98 triệu liều vaccine cho các nước nghèo. Mỹ hứa hẹn 1,1 tỷ liều. Tuy vậy, mới chỉ 20% lượng vaccine này được vận chuyển.
Giới chuyên gia y tế cho rằng nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc các nhà sản xuất có lịch giao vaccine tương đối thất thường, hay khả năng y tế hạn chế đã tạo ra những khó khăn trong việc đảm bảo tiêm chủng. Nhiều nước, trong đó có Nam Phi, trải qua nhiều tháng không nhận được vaccine, sau đó lại nhận hàng triệu liều một lúc, khiến hệ thống y tế quá tải.
Tại Mỹ, Chiến dịch Thần tốc dưới thời chính quyền cựu tổng thống Donald Trump không chỉ hỗ trợ sản xuất hàng triệu liều vaccine là còn giúp phân phối vaccine trên quy mô lớn chưa từng có. Chiến dịch này cũng gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu triển khai, ngay cả khi Bộ Quốc Phòng và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã phối hợp để tận dụng hạ tầng logistics của quân đội Mỹ.
“Có lý do Chiến dịch Thần tốc không chỉ đặt hàng với Pfizer và nhận vaccine. Đã có cả một cơ sở hạ tầng để sản xuất vaccine hàng loạt, mở rộng sản xuất và xử lý các vấn đề logistics liên quan tới vận chuyển vaccine”.
Nhiều nước châu Phi không có hạ tầng tích trữ vaccine đạt chuẩn, chẳng hạn vaccine của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Một số liều vaccine được quyên góp cũng sắp hết hạn sử dụng, khiến các nước cho rằng họ không có đủ thời gian phân phối và tiêm vaccine an toàn, theo các chuyên gia.
“Sẽ thật tuyệt vời nếu có đầy đủ dữ liệu chúng ta đang có bao nhiêu vaccine, chúng ta đang làm gì để đưa vaccine tới các nước khác, và liệu chúng ta có đang tận dụng mọi chiến lược để vận chuyển vaccine hay không,” Glassman cho biết.
Trong khi Nam Phi gặp khó khăn do tâm lý nghi ngờ vaccine và các vấn đề khác, một số nước còn lại trong khu vực đã phân phối khá nhanh và đề nghị nhận thêm vaccine. Khảo sát toàn quốc ở Botswana cho thấy tỷ lệ chấp nhận vaccine lên tới 76%, theo giám đốc dịch vụ y tế Malebogo Kebabonye của Bộ Y tế Botswana.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)
Đăng nhận xét